Trị khàn tiếng ho đờm do thời tiết
Giao mùa khiến nhiều người mắc chứng ho đờm, khàn tiếng ho đờm, mất giọng. Tuy chỉ là “bệnh vặt” nhưng nếu không điều trị dứt điểm dễ gây viêm thanh quản mãn dẫn tới xơ dây thanh, u nang dây thanh…ảnh hưởng tới sức khỏe trẻ em.
Khàn tiếng do ho có đờm
Ai dễ bị khàn tiếng?
Theo GS.TS Ngô Ngọc Liễn, Chủ tịch Hội Tai mũi họng Hà Nội, chứng khàn tiếng kéo dài, dễ tái phát mỗi khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa dẫn tới mất tiếng. Chứng này rất hay gặp với trẻ có dây thanh quản nhạy cảm, hay bị viêm họng khó chữa dứt điểm, hoặc khi phát âm to, liên tục… Ngoài ra, những trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, hít phải hóa chất, bị nhiễm cúm… cũng dễ khiến dây thanh bị viêm nhiễm. Nếu chủ quan để lâu không chữa trị có thể dẫn đến viêm thanh quản mãn dẫn tới xơ dây thanh, polip dây thanh, u nang dây thanh.
Theo BS Vân Thanh (BV Chợ Rẫy TP HCM), nước trà, nước cốt chanh – muối, hay mật ong – dầu ô liu – nước chanh… là cách dân gian chữa ho cho trẻ em, khàn tiếng tạm thời như do viêm họng, thời tiết thay đổi. Còn khàn tiếng lâu ngày không khỏi tốt nhất nên đi khám để tìm nguyên nhân chữa trị, đặc biệt với người lớn tuổi, người hút thuốc lá… để tránh trường hợp đáng tiếc.
Người bệnh cần theo đúng y lệnh, điều chỉnh sinh hoạt hợp lý. Hằng ngày cần vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối ấm (hoặc nước trà đặc pha muối, nước ấm pha mật ong, ngậm mật ong chanh, thuốc súc họng bán sẵn) để tránh nhiễm khuẩn.
Khi thay đổi thời tiết ẩm, lạnh cần giữ ấm cổ, mũi thở thông. Đặc biệt, uống đủ lượng nước cơ thể cần cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian bị khan tiếng. Hạn chế đồ uống lạnh, món ăn lạnh vì sẽ làm các dây thanh âm nhạy cảm, khó phục hồi .
Theo Đông y, khàn tiếng thường đi kèm với nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Dân gian có một số bài thuốc dễ làm như: Dùng 1/2 kg giá đậu xanh, rửa sạch, giã nát, thêm chút nước sôi khuấy đều. Mỗi lần ngậm 10- 20ml nước đó, nuốt dần (hoặc nhai giá sống), dùng khi mới bị khan tiếng rất hiệu quả. Món chè đậu xanh nguyên vỏ, canh đậu xanh nguyên vỏ vừa bổ dưỡng vừa có thể chữa khàn giọng.
Trị chứng ho đờm
Theo BS Duy Anh (BV E Hà Nội), ho có đờm là triệu chứng còn lại sau khi bị viêm họng, viêm xoang, ngạt mũi… gây nặng ngực, khó thở, mệt mỏi do chất nhầy xuất tiết vướng và ngứa ngáy ở cổ. Trẻ em sẽ khó ăn uống, dễ bị nôn.
Chứng ho đờm có một số thuốc viên, sirô có thể cắt đứt cơn ho tận gốc, hoặc tiêu nhầy, long đờm, giảm độ nhầy dính để tống đờm ra ngoài. Thuốc rất dễ dùng cho cả người lớn, trẻ nhỏ và người già, nhưng cần đi khám để bác sĩ kê đơn, không tự ý dùng vì có những thuốc có thể phá hủy lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, rất nguy hiểm cho người bị loét dạ dày. Hoặc loại thuốc có antihistamin sẽ làm đặc đờm và ho nhiều hơn.
Về ăn uống, khi bị ho đờm chủ yếu cần uống nhiều nước (trẻ từ 10 kg trở lên cần uống 1-1,5 lít/ngày) để làm đờm đặc loãng ra, dễ thở và tống bớt độc tố ra ngoài. Tránh chất uống có cồn, cà phê. Nên ăn những món mềm, loãng để dễ nuốt (như súp, cháo, sữa…) và các món giàu vitamin A, C (có trong chanh, cam…), kẽm, sắt (cà rốt, rau dền, bí đỏ, đu đủ, lê, táo, thịt bò, gà, trứng…) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Không nên ăn những món ngọt nhiều mỡ (bánh rán, chiên xào, đồ chế biến sẵn), sữa nguyên kem, pho mát… vì làm ho đờm có thể nặng hơn, khó tiêu và tăng tiết đờm.
(Theo Giadinh.net)