Cũng giống như những chứng bệnh viêm khác, viêm phế quản chịu tác động rất nhiều của cách ăn uống. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đã chỉ ra rằng: có mối quan hệ mật thiết giữa ăn uống và sự tăng lên hay giảm nhẹ của tình trạng viêm phế quản.
Những thực phẩm không nên ăn khi bị viêm phế quản.
Tránh hoặc hạn chế tối đa các món rán, xào như: khoai tây chiên, bánh rán, thịt rán,… Những món ăn giàu chất béo kể cả sữa chứa hàm lượng chất béo cao, calo cao cũng không được khuyến khích đối với bệnh nhân viêm phế quản, bởi nó là thủ phạm làm tăng triệu chứng khó thở ở bệnh nhân viêm phế quản.
Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày. Thừa muối sẽ dẫn tới tình trạng cơ thể tích lũy chất lỏng. Khi đó các mô phế quản cũng hấp thụ chất lỏng, làm tình trạng viêm phế quản gia tăng, đồng thời quá trình sản xuất chất nhầy cũng tăng theo. Muối có nhiều trong các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn đông lạnh, đồ ăn đóng hộp. Vì thế bệnh nhân viêm phế quản không nên tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, đông lạnh, chế biến sẵn.
Nên giảm lượng đường tinh luyện trong chế độ ăn đối với bệnh nhân viêm phế quản, bởi nếu bệnh nhân viêm phế quản thường xuyên tiêu thụ các loại đồ ăn như bánh kẹo, nước ngọt,… gây tình trạng đường tinh luyện trong cơ thể bị thừa, làm gia tăng hiện tượng khó thở.
Kiêng ăn các đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu,… dễ gây kích thích niêm mạc phế quản gây hiện tượng ho.
Nên tránh các loại hoa quả chua, chát như: mận, táo chua vì những thực phẩm này sẽ khó long đờm.
Không nên uống rượu vì rượu làm gia tăng tình trạng viêm phế quản. Đặc biệt không nên uống rượu trước khi đi ngủ vì khả năng thông khí của phổi người bệnh vốn đã kém. Nếu uống rượu trước khi đi ngủ se làm liệt trung khu hô hấp, dễ gây loạn nhịp thở hoặc ngừng thở dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng.
Những thực phẩm cần thiết cho người bị viêm phế quản.
Chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh sẽ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra các loại vitamin như vitamin C, E, A, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm ở phế quản, tình trạng khó thở của bệnh nhân. Các loại hoa quả, rau xanh giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt tốt cho bệnh nhân viêm phế quản được bác sĩ khuyên dùng: dâu tây, các loại quả mọng, bông cải xanh, rau bina và cà rốt.
Nên ăn các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như gạo, bột mì, ngũ cốc, các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, sữa bò, sữa đậu nành, đậu phụ, trứng gà.
Các sản phẩm từ sữa rất giàu vitamin D, canxi, và protein là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Bệnh nhân viêm phế quản nên tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ sữa (tuy nhiên cần chú ý các sản phẩm sữa đó phải có hàm lượng chất béo thấp). Tốt nhất nên ăn nhiều sữa chua vì sữa chua chứa nhiều vi khuẩn thân thiện có lợi cho hệ thống tiêu hóa và cũng có tác dụng tốt đối với bệnh nhân viêm phế quản.
Uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể đào thải các độc tố khỏi cơ thể một cách dễ dàng hơn. Những người bị viêm phế quản thường dễ bị mất nước hơn so với những người bình thường, uống nhiều nước sẽ giúp giảm tình trạng viêm, tình trạng khô họng của bệnh nhân.
Như vậy đối với bệnh nhân bị viêm phế quản thì chế độ ăn uống cũng là một phương pháp góp phần điều trị bệnh viêm phế quản.