Xạ can có tên khoa học là Belamcanda chinensis, là cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 đến 1m. Thân rễ, mọc bò, phân nhánh nhiều. Thân ngắn, bao bọc bởi những bẹ lá. Lá hình dải, dài 30cm, rộng 2m, gân song song, hai mặt nhẵn, toàn bộ lá xếp thành một mặt phẳng, xòe ra như cái quạt. Cụm hoa phân nhánh, hoa có cuống dài, màu vàng cam điểm những đốm tía. Quả nang hình trứng, nhiều hạt.
Bộ phận dùng là thân rễ, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thái phiến.
Trong thí nghiệm invitro cao cồn thân rễ xạ can có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên cầu, Bacillus subtilis, có tác dụng yếu đối với các chủng như: tụ cầu vàng, Enterococcus. Lá cũng có tác dụng ức chế vi khuẩn nhưng yếu hơn.
Thân rễ có tác dụng chống viêm và có độc tính thấp, đồng thời có tác dụng chống co thắt, và lợi tiểu nhẹ.
Flavonoid toàn phần của xạ can có tác dụng ức chế hoạt tính của men polyphenoloxydase huyết thanh người invitro, đây là men trong người sẽ tăng rõ rệt trong các bệnh nhiễm khuẩn, viêm cấp hay mạn.
Nghiên cứu sàng lọc trên cao nước thân rễ xạ can cho thấy, chất belamcandaquinon A, tectorigenin, tectoridin phân lập từ hạt xạ can có hoạt tính ức chế đặc hiệu COX là enzym quan trọng trong phản ứng viêm , belamcandol A và ardisianon A được chứng minh là có tác dụng ức chế đặc hiệu 5- lipoxygenase, enzym quan trọng trong phản ứng viêm.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước sắc xạ can không gây độc cho cơ thể
Xạ can được coi là 1 vị thuốc quí chữa các bệnh về họng, viêm amidan có mủ, ho nhiều đờm. Ngày dùng 10-20g thân rễ tươi rửa sạch nhúng qua nước sôi, giã nát với vài hạt muối, vắt nước ngậm hoặc nuốt dần hoặc dùng 3 đến 6g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột làm viên ngậm uống.
Tài liệu tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc tập II