Ai cũng biết rằng các loại bệnh phổi, phế quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm họng... rất thường hay xảy ra vào mùa lạnh, vậy mà trong những ngày đầu tháng 4 vừa qua, số bệnh nhân (cả trẻ em lẫn người lớn, đặc biệt là số trẻ rất nhỏ) đến khám và nhập viện do các bệnh về hô hấp và tai mũi họng bỗng dưng tăng vọt. Các bệnh viện nhi đều bị quá tải. Trời đất bỗng trở chứng hay lại vừa xuất hiện thêm một vài chủng vi sinh vật nào mới mà con người còn chưa quen đề kháng?
Các nhà y học đã lập tức phải tỏa ra khắp hướng để điều tra về bệnh nguyên và mới vỡ lẽ ra rằng - tất cả đều do nóng và do chính các biện pháp mà con người dùng để chống nóng. Những ngày cuối tháng ba và đầu tháng tư này, ở phía Nam và miền Trung khí hậu bỗng nhiên trở nên nóng bức dữ dội, rồi sau đó lại lan đến miền Bắc. Vì quá nóng mà trẻ khó chịu nên suốt đêm cứ phải nằm bên quạt máy và người lớn thì lo đi tắm hồ, tắm sông hay sử dụng liên tục các loại nước giải khát có đá... Các biện pháp này lúc đầu tuy có tác dụng giảm nhiệt tạm thời nhưng nếu cứ kéo dài mãi thì không cơ thể nào có thể chịu nổi. Tình trạng ngoài nóng trong lạnh hay ngược lại đã khiến cho tất cả các cơ quan tuần hoàn phải hoạt động hết công suất để điều hòa và làm đảo lộn thế cân bằng sinh lý vốn có của toàn bộ cơ thể - tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát tác. Nóng còn có thể gây ra cao huyết áp, chảy máu mũi, nhức đầu, khó ngủ, giảm khả năng hoạt động trí óc và thể lực... Da thì cần phải luôn được giữ ẩm ướt để chúng mềm mại và tăng khả năng thải nhiệt thông qua cơ chế bốc hơi. Chính vì vậy mà sử dụng quạt máy nên cho quay đổi hướng tạo cho một vùng da lúc thì có gió, lúc không để chúng có thể nghỉ ngơi hồi phục. Việc quạt liên tục một chỗ làm cơ thể mất nhiệt triền miên đồng thời làm da vùng đó bị khô quắt lại, sẽ tai hại hơn nếu vùng được thông gió quá nhiều lại là phần đầu - mặt hay vùng ngực - lưng... khiến cho đường thở luôn bị lạnh. Mọi việc sẽ diễn ra với các cơ quan hô hấp y như trong những ngày mùa đông lạnh giá, biểu mô hô hấp sẽ bị xung huyết, viêm, sưng nề, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi-rút (vốn có trong khí thở) phát triển. Với người chống nóng bằng cách sử dụng quá nhiều nước lạnh (tắm, uống, chườm...) cũng vậy. Thật ra lý tưởng nhất là nên để trẻ nằm ngủ trong các phòng có nhiệt độ điều hòa và giữ chúng ở mức độ mát mẻ dễ chịu (22 - 25 độ C), nhưng không phải là gia đình nào cũng có máy lạnh và dùng máy lạnh phải tiêu hao một lượng điện khá lớn. Do vậy các bà mẹ chỉ nên cho trẻ nằm quạt tốc độ lớn trong thời gian ngắn làm hạ nhiệt nhanh giúp trẻ dễ ngủ, sau đó giảm dần cường độ hoặc chỉ hoạt động định kỳ sau một khoảng thời gian nhất định nào đó. Quạt phải luôn được quay thay đổi hướng gió. Việc lau hoặc đắp khăn ướt lên người sẽ tốt hơn vì nước giúp cho việc hạ nhiệt nhiều hơn qua bay hơi và không làm cho da chúng ta bị khô quá do mất nước. Chỉ nên uống nước mát chứ không quá lạnh nếu bạn không muốn bị viêm họng, viêm xoang và viêm phổi - phế quản. Những trường hợp này hầu hết có thể điều trị bằng cách súc miệng với nước muối (hay mật ong với trẻ nhỏ), tránh nhiễm lạnh tiếp tục. Rất ít trường hợp phải dùng đến kháng sinh, trừ khi viêm nhiễm quá nặng. TS. Bùi Mạnh Hà |
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
|