Dị ứng là tình trạng của cơ thể phản ứng lại với một chất lạ nào đó từ bên ngoài xâm nhập vào. Chất lạ đó được gọi là tác nhân dị ứng hay dị ứng nguyên. Có rất nhiều dị ứng nguyên trong môi trường sống của chúng ta như: phấn hoa, bụi (nhất là bụi nhà có chứa lông thú, lông chim, các mảnh vụn li ti từ chiếu, gối, mền, thảm, nệm, hoặc cái loại côn trùng rất nhỏ), các chất hoá học có mặt trong không khí (khói xăng dầu, khói nhà máy, khói bình xịt…).

viem-mui-di-ung.jpg

Cây cứt lợn trị viêm mũi dị ứng hiệu quả

Các chất này không gây ra những triệu chứng rõ rệt nhất thời đối với người bình thường. Nhưng với những người mẫn cảm dị ứng, thì chúng tạo ra nhiều triệu chứng như chảy nước mũi trong, hắt hơi, tắc mũi, mũi đau rát, ngứa,  nổi mề đay… Nếu tái đi tái lại nhiều lần sẽ tạo điều kiện cho một số bệnh nhiễm khuẩn phát sinh. Viêm mũi dị ứng chính là một phản ứng của cơ thể với dị ứng nguyên nói trên.

Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh thường có liên quan đến các yếu tố sau :

- Yếu tố di truyền : Thường do cả cha lẫn mẹ, nhưng người ta cho rằng người mẹ dễ truyền lại bệnh cho con nhiếu hơn.

- Yếu tố thực phẩm : Một số thực phẩm như sữa, trứng, tôm, cua, cá, thịt bò thịt gà, đậu phụng…cũng có thể gây dị ứng.

- Yếu tố thời tiết : Thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường, ẩm thấp, cũng có thể gây bệnh.

- Một số thay đổi về nội tiết, chuyển hóa, cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Người ta dễ nhầm lẫn viêm mũi dị ứng với cảm lạnh, cúm hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Bệnh cảm, cúm có thể hết trong một tuần, trong khi viêm mũi dị ứng lại kéo dài nhiều tuần, có khi hàng tháng, nếu người bệnh cứ tiếp tục tiếp xúc với các dị ứng nguyên. Việc chẩn đoán, điều trị và và phòng ngừa viêm mũi dị ứng là điều gây ra nhiều khó khăn cho các thầy thuốc, cả hiện đại lẫn cổ truyền.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu về dị ứng đã khuyến cáo rằng nếu các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên thường xảy ra lặp đi lặp lại (như cảm lạnh, đau họng, nhiễm trùng tai giữa, viêm xoang mũi v.v…) có thể là một dấu hiệu của bệnh dị ứng mà chưa được phát hiện. Và nếu trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên hơn 6 lần mỗi năm, hoặc là trẻ em tuổi đi học và người lớn bị hơn 3 - 4 lần mỗi năm, cần được lượng giá về dị ứng. Điều quan trọng nhất là tìm cho được dị ứng nguyên. Nhiều người đã hết bệnh sau khi thay đổi môi trường sống.

Y học cổ truyền quan niệm rằng mũi là cửa ngõ của phổi, nếu chức năng của mũi bình thường, thì con người phân biệt được các mùi, thở hít được thông suốt. Khi phế khí hoặc nguyên khí của cơ thể bị suy yếu, hay khi phế bị các loại phong tà độc bên ngoài xâm phạm vào, thường phát sinh bệnh mũi.

Mũi là khiếu của phế, nên khi có các triệu chứng ở mũi tức là phế có bệnh, và có liên quan đến hai tạng tỳ và thận. Bởi phế khí đầy đủ là nhờ có tỳ khí phân bố, và thận lại là gốc của khí; cho nên khi tỳ khí và thận khí bị suy hư thì tân dịch cũng ngưng trệ khiến nước mũi chảy ra nhiều. Như vậy, khí của tạng phế, tỳ, thận bị suy hư, cũng là nguyên nhân gây ra viêm mũi dị ứng. 

Do đó, cách xử trí trong chữa trị viêm mũi dị ứng là vừa tăng cường chức năng hoạt động của các tạng tỳ, phế, thận (bổ tỳ, bổ phế, bổ thận, tập luyện khí công, dưỡng sinh, điều tiết việc ăn uống…), vừa tránh tiếp xúc với các loại phong tà độc. Hoặc dùng các loại thuốc có tác dụng bổ tỳ, phế, thận kết hợp tác dụng khu phong, tán hàn, giải độc. Tốt hơn hết là nên thường xuyên rèn luyện thể chất, nâng cao sức đề kháng để thích nghi được với các yếu tố gây bệnh.

Thu Phương