Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi là nguyên nhân khiến cho số người mắc bệnh viêm họng ngày càng tăng cao. Hầu hết mọi người đều nghĩ bệnh viêm họng phải uống thuốc mới có thể chữa khỏi được và ít ai nghĩ rằng chế độ ăn uống cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị bệnh viêm họng.
Trên thực tế, các bác sĩ đã chỉ ra rằng có một loại thực phẩm giúp làm dịu các triệu chứng viêm và đau họng nhưng bên cạnh đó lại có những thực phẩm cần tránh vì chúng có thể làm trầm trọng thêm. Hãy cùng chúng tôi điểm tên các loại nên và không nên ăn khi bị viêm họng.
Viêm họng là bệnh lý rất hay gặp
Bệnh viêm họng nên ăn gì?
- Khi bị viêm họng hãy uống nước. Nước và các chất lỏng như một chất “bôi trơn” cổ họng, giúp làm dịu cổ họng và giảm đau khi bạn nhai, nuốt thức ăn.
- Nên ăn các loại thức ăn mềm hay đồ ăn chế biến dưới dạng lỏng như soup, cháo,…để tránh các kích thích mạnh tới niêm mạc. Một trong những món ăn ngon, bổ dưỡng mà lại không gây tổn hại cho niêm mạc họng của bạn là soup gà. Đây là món ăn mà được các chuyên gia đánh giá là có tác dụng rất tốt trong việc giảm tế bào gây viêm.
- Một trong những nguyên liệu không thể không kể đến là mật ong. Mật ong được dân gian ta sử dụng từ lâu đời để chữa viêm họng, khàn tiếng; bởi mật ong có tính sát khuẩn, làm dịu niêm mạc họng, giúp giảm kích ứng và giảm ho. Để tăng tác dụng giảm ho, viêm họng của mật ong, có thể đem hòa với nước ấm hoặc chưng cách thủy kèm quất (tắc), lá húng chanh hoặc hoa hồng bạch để ngậm hàng ngày.
- Gừng ngoài việc dùng làm gia vị, chữa đau bụng, hạ huyết áp,…còn được dùng làm thuốc chữa cảm cúm và viêm họng, đặc biệt hiệu quả với viêm họng do nhiễm lạnh.
Khi bị bệnh viêm họng cần tránh ăn gì?
- Cần tránh các loại thức ăn cứng, khô, giòn, vụn như bánh quy, ngũ cốc; các loại thức ăn chiên, rán, xào; không ăn các loại thức ăn quá nhiều gia vị như cay hoặc mặn,…bởi chúng gây kích ứng cổ họng và làm tăng khả năng viêm nhiễm.
- Hạn chế ăn các loại trái cây có vị chua như cam, chanh, quýt,…vì có thể tăng vết loét, tăng nhiễm trùng,…
- Không ăn các đồ ăn nhiều chất đường và uống nước ngọt vì chúng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, làm nặng thêm tình trạng viêm họng.
- Không ăn các loại thực phẩm gây dị ứng cổ họng như đỗ lạc, đậu phộng, thức ăn cay, nóng,…
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê để tránh gây kích ứng cho cổ họng.
Bên cạnh những chú ý trong việc dùng thực phẩm, người bị viêm họng cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, sử dụng nước súc miệng hàng ngày, tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Minh Thùy