Viêm họng là bệnh phổ biến khi thay đổi thời tiết đặc biệt vào thời tiết lạnh thì bệnh phát triển nhiều.  Viêm họng do lạnh thường có những triệu chứng ban đầu như ngứa trong họng, khản tiếng, có khi sốt, nhức đầu, đau họng khi nuốt. 

Phân biệt 2 dạng
 
Theo đông y, viêm họng gồm 2 dạng là chứng thực và chứng hư. Chứng thực là khi cơ thể đang bình thường nhưng bị nhiễm ngoại tà (tác nhân gây bệnh) quá mạnh như khí lạnh, không khí bị ô nhiễm... gây ra viêm họng. Chứng hư là khi thể trạng đang suy yếu, sức đề kháng giảm sút nên dễ bị viêm họng khi thời tiết, môi trường có biến đổi nhẹ. 

Nếu gặp chứng thực chỉ cần dùng một số cây thuốc có tác dụng làm ấm, bảo vệ vùng hầu họng, trục đuổi tà khí là đủ. Nếu gặp chứng hư, cần dùng thêm các vị thuốc bổ như bổ khí huyết, bổ phế, nhuận phế, thanh phế, kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Khi có các triệu chứng của viêm họng dạng chứng thực, chúng ta có thể sử dụng một số bài thuốc đơn giản sau đây: 
 
- Dùng 300 ml nước sôi để ấm pha với 50 g muối và một muỗng cà phê nước cốt chanh. Ngậm nhiều lần trong ngày hoặc ngậm nuốt dần.
 
- Dùng 30 g quả sơn tra (hoặc quả táo mèo), 6 g lá trà, 30 g đường phèn, sắc với 500 ml nước cho đến khi còn lại 200 ml. Chia 2 lần uống ấm lúc đói bụng.
 
- Vỏ quả lê 10 g, vỏ cây mía (mía lau càng tốt) 15 g. Hai thứ rửa sạch, sắc với 650 ml nước cho đến khi còn lại 300 ml. Dùng uống ấm, thay nước trà trong ngày.
 
- Cây thanh hao (thanh cao, hương cao) 25 g, hương nhu 5 g, ké đầu ngựa 10 g. Sắc với 650 ml nước cho đến khi còn lại 300 ml. Chia 2-3 lần uống ấm trước bữa ăn.
 
- Thân và rễ cây rẻ quạt (xạ can) ngâm nước vo gạo 1-2 ngày, xắt mỏng, phơi khô để dùng dần. Khi dùng, lấy 3 g - 6 g tán bột mịn để ngậm và nuốt dần. Có thể sắc với 300 ml nước cho đến khi còn lại 100 ml, ngậm nuốt dần.
 
Với viêm họng dạng chứng hư, có thể sử dụng bài thuốc sau:  Khế chua 500 g, rửa sạch, giã nhuyễn vắt nước cốt, hòa với ít muối ngậm nuốt dần. Cũng có thể ăn 1-2 quả khế, chấm với ít muối.
 
Để ý môi trường bất lợi
 
Nếu sinh hoạt trong môi trường có nhiều yếu tố có thể gây viêm họng (nhiều khói, bụi, hóa chất...) nên sử dụng các thức uống sau để phòng ngừa:
 
- Nước nho, cà rốt: Nho tươi 25-30 quả, cà rốt 1 củ, lê 1 quả và 1 muỗng canh nước chanh vắt. Tất cả rửa sạch, xắt nhỏ, cho vào máy xay, xong cho nước cốt chanh vào, khuấy đều để uống. Một tuần uống 2-3 lần. Thức uống này có tác dụng làm tăng cường thể lực, phòng ngừa cảm mạo, viêm họng, ngoài ra còn giúp làm tươi sắc mặt.
 
- Nước củ sen: Củ sen tươi 150 g, táo tây 1 quả. Rửa củ sen thật sạch, xắt miếng nhỏ, xay chung với táo tây và một lượng nước vừa đủ. Sau khi xay nhuyễn, cho 1 muỗng canh nước cốt chanh vào khuấy đều để uống. Có thể thêm ít đường hoặc mật ong cho dễ uống. Một tuần uống 2-3 lần. 

Hai bài thuốc từ quất

Với quả quất (có nơi gọi là tắc), chúng ta có thể tự chế biến thành bài thuốc để điều trị tốt cho 2 dạng viêm họng.Ướp muối 5-10 quả quất, nấu với 650 ml nước cho đến khi còn lại 300 ml, uống ấm, thay nước trà trong ngày. Có thể giã nát, chế nước sôi vào khuấy đều để uống lúc còn ấm. 

Bài thuốc này dành để trị viêm họng dạng chứng thực. Cũng với bài thuốc trên nhưng khi dùng điều trị viêm họng dạng chứng hư, ta phối hợp với 1/2 muỗng cà phê nước cốt gừng, 20 g – 30 g mật ong để tăng cường hiệu lực của thuốc.

Linh Lan