Viêm họng mạn tính là bệnh lí hay gặp và thường đi kèm với các bệnh viêm xoang, viêm thanh, khí phế quản mạn tính. Có 3 thể viêm họng mạn tính: xuất tiết, quá phát và teo; viêm có thể ở dạng lan tỏa hoặc khu trú.

Nguyên nhân gây viêm họng mạn tính

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm họng mạn tính, có thể do cấu tạo giải phẫu, do  bệnh lí, do sử dụng chất kích thích hoặc cũng có thể do cơ địa.

-         Do ngạt tắc mũi: các nguyên nhân như dị hình vách ngăn, polyp,…khiến người bệnh phải thở bằng miệng, làm cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào vòm họng.

-         Do viêm mũi xoang làm chất nhầy ở khoang mũi chảy xuống thành họng, mang theo vi khuẩn và các chất bẩn.

-         Do sử dụng thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc nhiều với sợi bông, hóa chất độc hại…làm tăng kích ứng

-         Do cơ địa: cơ thể dễ bị dị ứng với các yếu tố lạ, bị giảm sức đề kháng, bị mắc bệnh như suy gan, đái tháo đường.

Triệu chứng của viêm họng mạn tính

Triệu chứng cơ năng: Người bệnh thường có cách triệu chứng như khô, ngứa, rát, vướng họng. Thường phải cố khạc đờm khi ngủ dậy. Ho rất nhiều vào ban đêm hoặc khi trời trở lạnh. Giọng bị khàn trong một thời gian ngắn nhưng có thể trở lại bình thường.

Triệu chứng thực thể:

Có 3 thể viêm họng mạn tính tùy theo mức độ tổn thương:

Viêm họng mạn tính xuất tiết: Niêm mạc họng không nhẵn do có nổi các hạt nang lympho đỏ, có chất nhầy trong dính vào thành họng, khạc hoặc hút ra sẽ thấy có tia máu xuất hiện.

 bệnh viêm họng mạn tính và những thông tin cần biết

Bệnh viêm họng mạn tính gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống

Viêm họng mạn tính quá phát: Niêm mạc họng có các nang lympho dày lên khiến bệnh nhân cảm thấy vướng ở cổ họng và buồn nôn. Các hạt đỏ nổi cao hơn, màn hầu và lưỡi gà trở nên dày khiến eo họng hẹp lại, bệnh nhân bị ho, khàn tiếng nhiều hơn. Niêm mạc loa vòi Eustachi cũng quá sản làm bệnh nhân cảm thấy ù tai.

Viêm họng mạn tính teo: Viêm họng mạn tính quá phát lâu ngày chuyển sang giai đoạn viêm họng mạn tính teo. Ở giai đoạn này các tuyến nhầy và nang lypho bị xơ hóa, niêm mạc nhẵn mỏng hơn và có các mạch máu nhỏ. Chất nhầy trở lên khô, đặc quánh, dính chặt vào niêm mạc và khó khạc nhổ.

Viêm họng mạn tính có thể điều trị triệt để khi loại trừ các nguyên nhân. Nếu kéo dài, không điều trị bệnh sẽ chuyển dần qua 3 thể trên và gây ra suy yếu vòm họng, viêm thanh quản hoặc viêm amidan cấp... Sự khó chịu trong cổ họng lâu ngày gây ra mất ngủ, dẫn đến suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh do đó cần phải điều trị ngay khi phát hiện bệnh bằng cách điều trị nguyên nhân, súc miệng bằng các dung dịch sát khuẩn, bôi và chấm họng bằng glycerin borat. Có thể đốt điện đối ở các giai đoạn quá phát, khi nang lypho phát triển thành hạt to.

Nhã Lam