Ho khan thường gây ngứa họng và không có đờm, loại ho này có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng. Ho khan thường là do hít phải những mẩu vụn thực phẩm hoặc hít phải các loại khói bụi gây kích thích như khói thuốc, khói than, mùi hóa chất, hoặc có thể phản ứng của cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ho khan có thể là do tình trạng mới nhiễm vi-rút, do cúm hay cảm lạnh, có thể là triệu chứng của các nguyên nhân khác như hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản, suy tim. Bệnh nhân ho khan thường vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không có cảm giác nặng ngực và khó thở. Ho có đờm có đặc trưng là nặng ngực và cơn ho thường khạc ra chất nhầy và đờm. Bệnh nhân có cảm giác nghẹt thở và khó thở, thường làm cho người bệnh mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện. Ho đờm có thể là triệu chứng còn lại sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang...
Ảnh minh họa
Cùng là bệnh ho nhưng với hai triệu chứng có hai cách điều trị khác nhau. Bây giờ thuốc tây ồ ạt khắp nơi nên người bệnh thường tự ý mua thuốc điều trị cho mình, thường là các loại kháng sinh, mà không cần chỉ định của bác sĩ, nên đôi khi không chữa khỏi mà tiền mất, bệnh nặng thêm.
Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên dùng xông hơi nóng, có tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp họ khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm.
Thuốc chữa ho có nhiều loại: như xi-rô, viên uống, viên ngậm với nhiều thành phần khác nhau như: chất kháng khuẩn, giảm đau, kháng viêm hoặc thuốc tê, bạc hà... như xi-rô bổ phế, Acodine, Atussin, Nortussin, Codepect, Decolsin... đều có thể dùng cho cả ho khan và ho có đờm. Riêng dùng cho trẻ em phải thận trọng, nhất là loại thuốc có chứa thuốc phiện.
Thuốc đặc trị chữa ho khan có: codein, eucalyptine, dextromethorphan, pholcodine, calyptin, chericof, Neo-Codion...
Thuốc ho có đờm: Mucomyst, Mucusan, Rinathiol promethafine, Terpicod, Terpin hydrat... Thông thường mỗi đợt điều trị chỉ nên dùng từ 3 đến 5 ngày để tránh "nhờn thuốc".
Đối với ho khan thì thường kéo dài do đó để giảm tác dụng của thuốc tây nhiều bác sỹ cũng khuyên bệnh nhân nên dùng thực phẩm gia vị thảo dược như bạc hà, gừng, rau húng.. cũng có tác dụng sát khuẩn hoặc dùng các sản phẩm thiên nhiên như Tiêu Khiết Thanh có công dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giảm ho hiệu quả tốt đối với ho dai dẳng, khàn tiếng.
Nếu ho kéo dài hơn 1 tháng, điều trị bằng thuốc không giảm, có kèm theo sốt, ho ra máu, thở nông hoặc đau ngực khi ho hay đối với các bệnh nhân có tiền sử hen, lao phổi, huyết áp tăng, đau dạ dày, sụt cân nhiều nên đến bác sĩ tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc như: hen, viêm phế quản mạn, suy tim sung huyết, viêm phổi, lao phổi, viêm họng, viêm amidan, ung thư phổi..
Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào mùa đông, luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện thích hợp, thích nghi với thời tiết, khí hậu tạo môi trường trong sạch mới có hiệu quả thiết thực, lâu dài cho sức khỏe.
Thu Phương