Cháu năm nay 16 tuổi,cháu thường hay bị hắt xì khi gặp bụi mỗi làn như vậy sau khi hắt xì khoảng 2 lần cháu lập tức bị sổ mũi,sau đó dần nặng lên như cảm nhưng sau một buổi thì lại hết nhưng hể tiếp xúc bụi lại bị tiếp như thế liên tục,vậy cháu bị bệnh gì ạ?
Trả lời:

Chào bạn,

Với biểu hiện của bạn thì bạn bị viêm mũi dị ứng. Đây là bệnh liên quan đến cơ địa đối 

dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (dị nguyên) đối với cơ thể, ví dụ như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm (nấm mốc)… Những tác nhân này thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng thì xảy ra hiện tượng phản ứng. Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhày niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang… gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc. Viêm mũi dị ứng có liên quan đến các cơ địa dị ứng. 

Mục tiêu điều trị là tránh tác nhân gây dị ứng, tăng cương miễn dịch cơ thể, ngăn ngừa biến chứng sang viêm xoang

 

Kiểm soát môi trường – tránh tác nhân gây dị ứng:

- Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ (để loại hết bụi trên tóc, trên da) sau khi ra ngoài trời.

- Thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa, giặt chăn màn, bao gối, màn cửa và phơi dưới ánh sáng mặt trời.

- Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải.

- Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà.

- Nếu trẻ bị dị ứng nhiều, hạn chế cho chơi thú nhồi bông.

 

Miễn dịch liệu pháp (còn gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu):

Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, bệnh nhân sẽ được tiêm chất kháng nguyên gây bệnh với liều tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90% (có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo). Thời gian điều trị phải kéo dài 4 -5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn; các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.

Trong giai đoạn cấp để giảm nhanh triệu chứng bạn có thể dùng một số loại thuốc kháng histamin như Loratadin, Certirizin,..

Chúc bạn sức khỏe!